Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu cho Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Đà Nẵng sẽ là TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực để Đà Nẵng xây dựng trở thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Khi đó, lãnh đạo Đà Nẵng đã định hướng TP phát triển theo hướng “Thành phố sự kiện”, điểm đến lễ hội hàng đầu châu Á.
|
Đà Nẵng đang trở thành điểm đến của nhiều sự kiện, lễ hội tầm cỡ quốc tế. Ảnh: TẤN VIỆT |
Đà Nẵng ngày càng nổi tiếng
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho hay Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn trong phát triển du lịch. TP có vị trí địa chiến lược, tâm điểm giữa các di sản thế giới. Nơi đây có thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp, cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.
Theo ông Vũ, Đà Nẵng ngày càng nổi tiếng bởi những thương hiệu đáng tự hào như: Top 20 TP sạch nhất hành tinh; Một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; Địa điểm du lịch mới hấp dẫn nhất hành tinh; Cúp vàng điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á hay giải thưởng Thành phố Xanh quốc gia năm 2018.
Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công những sự kiện tầm cỡ quốc tế như Lễ hội Pháo hoa quốc tế hàng năm; Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016… Ấn tượng nhất là việc TP đăng cai thành công “Tuần lễ Cấp cao APEC – 2017”. Đây chính là những tiền đề thuận lợi để Đà Nẵng tiếp tục vươn lên trong tương lai.
Ông Vũ cho hay, để không ngủ quên trên chiến thắng, Đà Nẵng cần hướng đến những thị trường du lịch đẳng cấp, chuyển mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, gia tăng thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời, TP cần đa dạng hóa loại hình du lịch, chú trọng nâng tầm, mài giũa những thương hiệu sự kiện nổi bật.
Cùng với đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp, nhất là những ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. TP phải kêu gọi các nhà đầu tư mang tính chiến lược vào đầu tư để làm nền tảng lôi cuốn những nhà đầu tư khác cùng tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, phụ kiện.
“Khi có một số ngành công nghiệp phát triển thì khách nước ngoài sẽ đến giao lưu, hợp tác làm ăn càng nhiều. Lúc đó, chúng ta mới có thể tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, du lịch TP mới phát triển bền vững, không còn là trạm dừng chân, trung chuyển du khách” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho hay.
Trục đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà), nơi có khu đất được quy hoạch xây dựng khu phức hợp trung tâm tài chính Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Điểm đến đẳng cấp
Với đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho hay, điểm khác biệt nhất là Trung tâm tài chính Đà Nẵng không chỉ gồm các hoạt động tài chính mà còn liên kết với các hoạt động và dịch vụ tiện ích đẳng cấp khác như nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí.
Điều này tạo ra một điểm đến đặc biệt hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư quốc tế, tương tự các trung tâm tài chính tại Dubai hay Singapore.
Theo ông Phụng, để chuẩn bị cho việc xây dựng khu phức hợp trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã quy hoạch sẵn khu đất rộng 6,17 ha nằm sát biển Mỹ Khê. Vị trí này hội đủ những điều kiện tốt nhất về hạ tầng kết nối, dễ dàng hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng với các dịch vụ đẳng cấp.
Đà Nẵng cũng đang tiến hành chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng (quận Sơn Trà) với diện tích hơn 62 ha thành khu trung tâm kinh doanh. TP định hướng phát triển khu vực này thành khu phố tài chính, một tổ hợp trung tâm tài chính đầy đủ về quy mô và không gian phát triển.
“Những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện nhiều tiêu chí về môi trường kinh doanh. Cùng với hạ tầng công nghệ thông tin được thiết lập tốt, TP đang phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, có khả năng gắn kết với các định chế tài chính trên cả nước.
Ngoài ra, sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thân thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao là những yếu tố quan trọng để Trung tâm tài chính Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư tài chính nước ngoài” – ông Phụng cho hay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng nhìn nhận, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và sự bùng nổ của Cách mạng 4.0 đang khiến các trung tâm tài chính toàn cầu bị tác động mạnh mẽ.
Việc tận dụng cơ hội, tranh thủ hình thành trung tâm tài chính lúc này là nhiệm vụ quan trọng mà Trung ương đặc biệt quan tâm.
“Việc tìm hướng đi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó có Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Đảng và khát vọng phát triển của dân tộc để đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045” – ông Minh cho hay.
Từ ngày 4 đến 9-6, Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển đường bay châu Á lần thứ 16.
Sự kiện được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 đại biểu từ các hãng hàng không khu vực châu Á, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ, các sân bay và đơn vị khai thác sân bay, các đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không cùng các hãng lữ hành quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới.
Sau đó vào đầu tháng 9, Đà Nẵng tổ chức Giải Golf Phát triển châu Á 2022, thuộc chuỗi Giải Golf chuyên nghiệp châu Á – Asian Tour do tổ chức Asian Tour điều hành.
Nguồn: https://plo.vn/bai-1-da-nang-thanh-pho-su-kien-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-post681480.html?fbclid=IwAR2rPK75qwlQMMIGxwZC9GIjCcpk4Dg7MT8E4AZ6lLJ4YaZWR7_Rokfr9tw